Ghềnh Ráng Tiên Sa

Khu du lịch Ghềnh Ráng Tiên Sa là địa danh không thể bỏ qua khi đến với du lịch Quy Nhơn - Bình Định, nằm phía Đông Nam trung tâm TP Quy Nhơn
5/5 - (8464 bình chọn)

Khu du lịch Ghềnh Ráng Tiên Sa là khu du lịch vô cùng nổi tiếng ở thành phố biển Quy Nhơn. Vì nằm gần ngay trung tâm thành phố nên thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Đến đây du khách sẽ được chiêm ngưỡng một vẻ đẹp thiên nhiên tuyệt mỹ, một góc nhìn toàn cảnh phố biển Quy Nhơn tuyệt đẹp từ trên cao.

Khu du lịch Ghềnh Ráng Tiên Sa nhìn từ bãi biển Quy Nhơn

1. Giới thiệu Khu du lịch Ghềnh Ráng Tiên Sa

Nằm ở phía Đông Nam thành phố Quy Nhơn, là tác phẩm thiên tạo với quần thể sơn thạch chạy sát biển, nơi những dãy đá núi nhấp nhô, chập trùng tạo thành hang, thành rạng, thành gành, với một bên là những bãi cát dài trắng mịn và mặt biển xanh màu ngọc bích rì rào sóng vỗ… tất cả tạo nên một Ghềnh Ráng nguyên sơ, một bức tranh thủy mặc hữu tình kỳ vĩ và thơ mộng.

Ghềnh Ráng Tiên Sa – Bức tranh thủy mặc kỳ vỹ

Men theo con đường đất uốn lượn theo triền núi, du khách sẽ chiêm ngưỡng những tác phẩm điêu khắc mà tạo hóa đã ban tặng cho Ghềnh Ráng như bãi tắm độc đáo với vô số viên đá cuội được sóng biển mãi nhẵn như những quả trứng khổng lồ, nơi dành riêng cho Nam Phương Hoàng Hậu khi về đây nghỉ mát tắm biển nên còn gọi là bãi tắm Hoàng Hậu; là đá Vọng Phu được sóng và gió biển tạc khắc như hình dáng người vợ ngóng chồng; là dãy đá có hình sư tử dũng mãnh “trơ gan cùng tuế nguyệt” trước sóng gió và thời gian; là bãi tắm Tiên Sa đẹp nao lòng nhuốm màu huyền thoại.

Ghềnh Ráng Tiên Sa làm say đắm lòng người

Bên cạnh sườn đồi là nơi an nghỉ của nhà thơ Hàn Mặc Tử – Một thi sĩ nổi tiếng trong làng thi ca Việt Nam. Từ đây du khách có thể ngắm bao quát toàn bộ phía đông thành phố Quy Nhơn và xa hơn là bán đảo Phương Mai với đầm Thị Nại như một bức tranh nhiều cảm xúc.

Ghềnh Ráng được vua Bảo Đại chọn là nơi nghỉ mát cho hoàng gia từ những năm 1927.

2. Vị trí Ghềnh Ráng Tiên Sa

Thuộc địa phận phường Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn; khu du lịch Ghềnh Ráng Quy Nhơn nằm cách trung tâm thành phố khoảng 3km về phía Đông-Nam. Điểm đặc trưng của nơi đây chính là những bãi đá nằm liền kề nhau và tập trung theo đường cong của eo núi Xuân Vân.

3. Di chuyển đến Ghềnh Ráng Tiên Sa như thế nào?

– Tàu hỏa: điểm dừng chân cuối cùng khi đến Quy Nhơn chính là ga Diêu Trì; từ Diêu Trì bạn đi taxi về trung tâm thành phố Quy Nhơn mất chừng 30 phút.

– Xe khách: Một số hãng xe chất lượng cao như Phương Trang, Mai Linh, Hoàng Long, Hoàng Dũng… đều có chuyến đến Quy Nhơn từ các thành phố lớn.

– Máy bay: Các hãng hàng không nội địa như Vietnam Airlines, Jetstar, Vietjet Air, Bamboo Airways đều có khai thác chặng bay đến sân bay Phù Cát cách Quy Nhơn khoảng 30km. Từ sân bay, để về tới trung tâm thành phố Quy Nhơn bạn đi xe trung chuyển của Cảng hàng không Phù Cát (xe trả khách ở số 1 Nguyễn Tất Thành). Thời gian đi khoảng 50 phút, phí 50.000 đồng/lượt hoặc có thể đi taxi.

Xe điện là trải nghiệm thú vị đi lại trong trung tâm Quy Nhơn

– Đến TP. Quy Nhơn, bạn có thể thuê xe máy hoặc đi taxi, xe điện Quy Nhơn đến khu du lịch Ghềnh Ráng, nằm ở số 3 Hàn Mặc Tử, phường Ghềnh Ráng. Thời gian di chuyển mất khoảng tầm 10-15 phút di chuyển.

4. Sự tích về Ghềnh Ráng Tiên Sa

Khi nhắc đến Ghềnh Ráng Tiên Sa thì vẫn có một sự tích được lưu truyền cho đến tận bây giờ.

Truyền thuyết kể rằng có một người con gái vừa đẹp người lại vừa đẹp nết. Nàng đem lòng yêu một chàng trai trong làng. Tình yêu của đôi trai gái vô cùng sâu đậm. Đến một ngày viên quan huyện bắt gặp nàng và bị mê hoặc bởi sắc đẹp của nàng. Hắn cho người theo dõi và tìm mọi cách để chiếm đoạt nàng.

Ghềnh Ráng Tiên Sa có một truyền thuyết thật đẹp

Thế nhưng nàng không hề yêu hắn. Và để giữ trọn lòng thủy chung với người mình yêu, nàng khóc lạy cha mẹ và từ giã chàng trai rồi chạy trốn khỏi làng đến Quy Nhơn.

Tên quan huyện thấy thế thì sai quân lính đuổi theo. Khi đến Ghềnh Ráng – tên này do ngư dân đặt vì nơi này có nhiều ghềnh, khi tàu bè qua khu vực thủy thủ phải hạ buồm chặn gió đi, để thuyền đi chậm lại nếu không dễ bị nước ngập vào tàu, trong nghề đi biển thao tác ấy gọi là ráng, và tên Ghềnh Ráng từ đó mà ra – trời bỗng nổi sấm chớp, giông bão rất lớn làm núi đá nứt ra một khe lớn rồi cô gái biến mất biệt tăm. Khi trời dừng bão và quang đãng trở lại thì khe núi ấy lại biến thành một dòng suối uốn lượn bên sườn núi.

Bãi tắm hoàng hậu là điểm check in nổi tiếng tại Quy Nhơn

Về phía chàng trai, sau khi biết tin người yêu mình mất tích thì đã tìm kiếm ở khắp nơi. Nhưng mãi cho đến khi tìm được tới Ghềnh Ráng vào một đêm tối muộn. Chàng chỉ thấy hình ảnh một cô gái thoắt ẩn thoắt hiện giữa biển hay bên phía bờ rừng. Cũng kể từ đó, không biết chàng trai có theo cô gái không. Nhưng cứ khi nào trời có giông chớp lóe lên trên Ghềnh Ráng, người ta sẽ nghĩ cô gái trở về thăm người yêu năm xưa của mình. Có thể đó là lý do nơi đây được người dân gọi là Ghềnh Ráng Tiên Sa.

5. Những địa điểm nổi tiếng bên trong Khu du lịch Ghềnh Ráng Tiên sa

5.1. Bãi tắm hoàng hậu

Bãi tắm Hoàng Hậu hay còn gọi là bãi Đá Trứng được cho là nơi mà Nam Phương hoàng hậu – vị hoàng hậu cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam đã ưu ái lựa chọn làm bãi tắm riêng cho mình. Những bãi đá hình quả trứng nằm xếp chồng lên nhau; dưới những vách núi tạo nên một khung cảnh đẹp và lạ mắt đến ngỡ ngàng.

Toàn cảnh Bãi tắm Hoàng Hậu tại Khu du lịch Ghềnh Ráng Tiên Sa

Đến với bãi tắm Hoàng Hậu, đắm mình trong làn nước mát lạnh; đi trên những viên đá tròn, nhẵn giống như trứng chim bằng đôi chân trần; tất cả chắc chắn sẽ mang đến cho bạn một cảm giác dễ chịu, thư thái. Hay bạn cũng có thể ngồi trên những viên đá lớn; thả mình cùng khung cảnh thiên nhiên xung quanh sẽ xoá tan đi hết mọi sự mệt mỏi trong bạn.

5.2. Mộ thi sĩ Hàn Mặc Tử

Nếu là những người yêu thơ nói chung và yêu tác phẩm của Hàn Mặc Tử nói riêng thì không thể không biết cố thi sĩ đại tài này đã dành những năm tháng cuối đời tại mảnh đất Quy Nhơn Bình Định bình yên này.

Nơi ông chọn dừng chân và sinh sống suốt khoảng thời gian cuối cùng của đời mình là trại phong Quy Hòa – nằm ngay trong khuôn viên khu du lịch Ghềnh Ráng Tiên Sa –  cũng là nơi ông phải chịu những nỗi đau đớn khôn nguôi do căn bệnh phong quái ác mang lại và đây cũng là nơi tạo cảm hứng cho những áng thơ bất hủ của ông ra đời.

Mộ cố thi sĩ Hàn Mặc Tử nằm trên đồi cao của khu du lịch Ghềnh Ráng Tiên Sa

Để tưởng niệm một nhà thơ tài ba của Việt Nam, khu mộ Hàn Mặc Tử được xây dựng và trùng tu thường xuyên ngay tại khu vực Ghềnh Ráng – Tiên Sa này

5.3 Bãi Tiên Sa

Bãi Tiên Sa nổi tiếng xinh đẹp với những hàng thông xanh ngắt ngút ngàn hòa cùng màu trắng xóa của bờ cát và màu xanh của làn nước. Tất cả đem đến cho du khách một khung cảnh thiên nhiên say đắm lòng người. Đặt chân đến nơi đây, bạn sẽ hiểu được tại sao bãi tắm này lại có cho mình một cái tên rất mỹ miều là Tiên Sa. Tận mắt chiêm ngưỡng cảnh đẹp đến nao lòng của thiên nhiên đất trời giao hòa với sông núi nơi đây.Từ bãi Tiên Sa, leo lên đỉnh Ghềnh Ráng; toàn bộ cảnh biển bình yên của Quy Nhơn như thu hết vào trong tầm mắt.

Toàn cảnh Bãi tắm Tiên Sa tại Khu du lịch

Từ bãi Tiên Sa leo lên đỉnh Ghềnh Ráng; phóng tầm mắt ra xa nhìn toàn cảnh biển Quy Nhơn đẹp đến mê hồn; mặt biển xanh thăm thẳm; những ngọn núi xanh bao quanh; bầu trời cao rộng xanh biếc; tất cả như tạo nên một bức tranh sơn thủy hữu tình.

5.4. Đồi Thi Nhân

Đồi Thi Nhân bên cạnh mộ thi sĩ Hàn Mặc Tử là con dốc nhỏ có viết hàng trăm câu thơ của cố thi sĩ, nó như một vườn thơ đầy thơ mộng. Hàng năm lễ hội thơ của các nhà thơ được tổ chức tại nơi này tập trung rất nhiều nhà thơ nổi tiếng trong cả nước về đây.

Đường lên đồi thi nhân lãng mạn

5.5. Nhà thờ đá Ghềnh Ráng

Nằm khuất phía dưới ở phía đối diện khu mộ thi sĩ Hàn Mặc Tử nên ít ai biết. Nhà thờ được khởi công xây dựng vào tháng 2 năm 1963; đến tháng 8 năm 1964 thì được khánh thành. Người chịu trách nhiệm xây dựng nhà thờ là Linh mục Phạm Châu Diên.

Trải qua nhiều năm tháng và bị hư hỏng xuống cấp theo thời gian, nhà thờ được trùng tu tái thiết lại vào năm 2007 với không gian và thiết kế tuy đơn giản nhưng vẫn vô cùng xinh đẹp.

Nhà thờ đá Ghềnh Ráng nhìn từ trên cao

6. Giá vé và giờ hoạt động Ghềnh Ráng Tiên Sa

Giá vé: 25.000 đ/người/lượt (Đã bao gồm xe điện trung chuyển)

Giờ hoạt động: Mở cửa: 7:00 AM – Đóng cửa: 6:00 PM

Trường hợp được miễn phí vé:

+ Trẻ em có chiều cao dưới 1m4

+ Nhân dân địa phương Phường Ghềnh Ráng và Phường Nguyễn Văn Cừ xuất trình giấy tờ tùy thân khi vào cổng.

7. Các tour du lịch đến Ghềnh Ráng Tiên Sa

Ghềnh Ráng Tiên Sa nằm ngay trung tâm thành phố Quy Nhơn nên đây thường là địa điểm du khách tự đi đến như Tháp đôi Quy Nhơn. Nhưng nếu chọn đi theo tour du lịch, được nghe hướng dẫn viên thuyết minh về Ghểnh Ráng Tiên Sa, kể về cuộc đời nhà thơ Hàn Mặc Tử hay đọc những vần thơ nổi tiếng của cố thi sĩ này thì đó là một điều rất tuyệt vời.

Du khách check in Khu du lịch Ghềnh Ráng Tiên Sa. Ảnh: Quy Nhơn Tourist

Các bạn có thể tham khảo chương trình tour tại đây nhé: City Tour Quy Nhơn nửa ngày, City tour Quy Nhơn 1 ngày

Video Hướng dẫn viên thuyết minh về nhà thơ Hàn Mặc Tử (Nguồn: Quy Nhơn Tourist):

Thế mới thấy thiên nhiên ưu ái cho Quy Nhơn biết bao là cảnh đẹp say mê lòng người, trong đó có Tiên Sa. Nếu bạn và gia đình đang có dự định đến thăm thành phố nhỏ bé nhưng vô cùng xinh đẹp này thì đừng ngần ngại đến khám phá Ghềnh Ráng Tiên Sa nhé.

Ánh Viên (Quy Nhơn Hotel)

Hãy Gọi Ngay 09777 85 199 (Hotline) để được Tư Vấn Trực Tiếp và nhận được NHIỀU CHƯƠNG TRÌNH ƯU ĐÃI chỉ có ở Quy Nhơn Hotel.



Câu Hỏi Thường Gặp

Có, Ghềnh Ráng Tiên Sa nằm trên đường Hàn Mặc Tử thuộc trung tâm thành phố biển Quy Nhơn xinh đẹp.
Giá vé: Miễn phí. Giờ hoạt động: Mở cửa: 7:00 AM – Đóng cửa: 6:00 PM
0256.6 53 59 59 (Công ty)
09777 851 99 (Hotline)
Bạn cần trợ giúp? Hãy gọi ngay
Quynhonhotel.com © 2023 - Kênh đặt phòng khách sạn lớn nhất Quy Nhơn

DKKD: 4101468338, Ngày cấp: 11/07/2016, Sở kế hoạch đầu tư tỉnh Bình Định

Quy Nhơn: Tòa nhà Quy Nhơn Tourist, 94 Hà Huy Tập, P. Trần Phú, Quy Nhơn, Bình Định ( Xem bản đồ )

Phú Yên: 283 Nguyễn Công Trứ, TP Tuy Hòa, Phú Yên ( Xem bản đồ)